Carlos Ghosn, quyền lực, tiền bạc và sự cô lập

Chắc các bạn cũng đã biết 1 trong những vụ scandal lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới là vụ việc chủ tịch của Renault và Nissan, Carlos Ghosn, vừa bị bắt tại Nhật Bản vì liên quan đến việc gian lận trong báo cáo tài chính của Nissan công bố trên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Sau hơn 3 tháng tạm giam, ông Carlos Ghosn đã được tại ngoại. Blog thuxe xin chia sẻ một vài cảm nhận về nhân vật này.

Carlos Ghosn là ai ?

Đối với những bạn chưa biết về nhân vật này, Carlos Ghosn đơn giản là nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong nền công nghiệp ô tô thế giới hiện tại, ông là chủ tịch của liên minh 3 hãng ô tô hàng đầu của thế giới là Renault – Nissan và Mitsubishi (nếu so với ông Vượng Vinfast nhà ta thì chắc ông Ghosn chỉ thua 1 tí xíu thôi 🙂 . Ông sinh ra ở Brasil, học hết cấp 2 ở Liban và tốt nghiệp 2 trường kỹ sư hàng đầu của Pháp là trường Bách khoa Paris (Ecole polytechnique) và trường kỹ thuật Mỏ của Paris (Ecole des Mines). Nói cách khác, ông không được đào tạo để đi bán mì tôm mà được đào tạo có bài bản để lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của thế giới. Ông nói thông thạo 4 thứ tiếng là Bồ Đào Nha, Ả Rập, Anh, Pháp và biết ít tiếng Nhật. Sau khi ra trường, ông bán lốp xe cho Michelin trước khi chuyển qua bán ô tô cho Renault. Ở cả 2 tập đoàn này, Ghosn đều được mệnh danh là “Kẻ sát chi phí” (Cost Killer) vì cũng những người “X” khác, ông rất giỏi giải toán cũng như giỏi đóng của các nhà máy và sa thải số lượng lớn nhân viên. Ông làm điều này không chỉ ở Pháp mà chủ yếu ở các môi trường văn hóa khác như Brazil và Bắc Mỹ. Riêng tại Nhật Bản, ông đã sa thải hơn 20 000 nhân viên vào thời điểm khó khăn nhất của Nissan năm 2000, điều mà không một nhà lãnh đạo Nhật Bản nào dám làm tại một đất nước mà công việc gần như được đảm bảo trọn đời. Sở dĩ Ghosn luôn được chọn cho các nhiệm vụ “hủy diệt” này vì bản thân ông là 1 người đa văn hóa, có khả năng hòa nhập cực tốt, ứng biến nhanh và hoạt động không ngừng nghỉ.

Sinh viên Carlos Ghosn mặc đồng phục quân đội của trường Polytechnic Paris hay trường “X” (trực thuộc quân đội Pháp)
Ham muốn quyền lực

Có một điều không ai có thể phủ nhật, Carlos Ghosn là một người có tài và là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Ông cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho công việc, trải qua phần lớn thời gian trên máy bay riêng để di chuyển giữa các buổi họp, lịch làm việc của ông thường kín hết trước 1 năm vì ông biết chính xác mình sẽ làm gì. Ghosn luôn đặt những mục tiêu lợi nhuận cao cho công ty và thường là đạt được điều đó sớm hơn dự kiến. Từ Michelin tại brasil, Renaul tại thị trường Mỹ đến Nissan tại Nhật, Ghosn luôn thành công trong việc vực dậy 1 công ty bị thua lỗ. Từ 1 công ty bị thua lỗ trên bờ vực phá sản vào 2000, doanh số Nissan giờ đây gần gấp 2 Renault và thực sự là “con bò sữa” của liên minh. Có 2 thứ mà Ghosn không bao giờ chia sẽ đó là “Quyền lực” và “Tiền Bạc”. Khi Louis Schweitzer (tổng giám đốc Renault lúc đấy) cử Carlos Ghosn sang nhật làm nhiệm vụ vực dậy Nissan, Ghosn chỉ đồng ý đi với điều kiện ông có toàn quyền quyết định trong tay và Louis Schweitzer sẽ nhượng lại chức tổng giám đốc nếu Ghosn thành công. Ông ra đi với tâm lý một mật một còn, sẵn sàng chiến đấu với các samurai và nếu ông thất bại, ông sẽ ra đi tay trắng. Sau khi thành công với Nissan, Ghosh vừa nắm giữ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc Renault, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Nissan cũng như tổng giám đốc liên minh Renault – Nissan. Ngay cả khi ông nhượng lại chức tổng giám đốc Nissan cho Hiroto Saikawa để tập trung sức lực để vực dậy Mitsubishi, Ghosn vẫn theo sát các quyết định của Nissan. Ảnh hưởng của ông lớn đến nỗi khiến những người làm việc chung phải khuất phục một cách tự nhiên thậm chí là “sợ” ông. Còn nhớ khi Carlos Tavares, tổng giám đốc hiện tại của Peugeot, khi còn là vị trí số 2 tại Renault phát biểu “Một ngày nào đó, tôi sẽ lãnh đạo 1 công ty ô tô hàng đầu thế giới”, Ghosn đã buộc Tavares phải xin lỗi công khai nhân viên của Renault và khi Tavares từ chối, ông đã bị buộc phải thôi việc, rất may là ông này đã chuẩn bị vị trí của mình tại Peugeot từ trước 🙂

Nissan giờ đây bán gấp 2 lần số lượng xe Renault
Ghosn và tổng thống pháp Emmanuel Macron. Mối quan hệ giữa Ghosh và các tổng thống pháp chưa bao giờ là cơm lành canh ngọt bởi ông chỉ nghĩ đến lợi nhuận của công ty và đóng cửa hàng loạt các nhà máy tại Pháp để mở ra tại các nước đang phát triển với chi phí nhân công rẻ hơn nhiều lần. Ông đã đối đầu và sống sót suốt 4 đời tổng thống pháp, từ Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy đến Francois Holland và giờ là Emmanuel Macron, một sự trường tồn đáng kinh ngạc sau rất nhiều biến cố.
Lãnh đạm và ham tiền

Nếu có 1 điểm yếu của Ghosn, đó là việc ông không bao giờ cảm thông với các giai cấp khác của xã hội và luôn tự cho mình xứng đáng với mức lương khổng lồ và ngày càng tăng của mình. Quan điểm của ông là “Khi một công ty kiếm được nhiều tiền hơn, không có gì vô lý khi người lãnh đạo cũng được hưởng nhiều hơn, cũng như không có gì vô lý khi người lãnh đạo giảm lương khi công ty giảm doanh thu”. Chỉ riêng tại Renaut, Ghosh hưởng 10 triệu euro / năm, nhiều hơn gấp 700 lần 1 công nhân làm việc tại nhà máy. Đó là chưa tính đến mức lương ông nhận được tại Nissan cũng như từ liên minh Renault – Nissan, còn nhiều hơn cả mức lương tại Renault. Ngay cả khi các cổ đông bỏ phiếu không tăng lương cho tổng giám đốc, trong một cuộc họp kín giữa Ghosn và các thành viên hội đồng quản trị sau đó, ông dùng áp lực và ảnh hưởng của mình để ép các thành viên chấp nhận tăng lương, một điều chưa từng có và thể hiện rõ quyền lực của Ghosn lớn như thế nào, ngay cả đối với những người được giao nhiêm vụ kiểm soát mình. Mức lương khủng của Ghosn là nguyến nhân khiến ông không được yêu mến tại Pháp, còn tại Nissan, nó có thể là nguyên nhân gián tiếp khiền Ghosn phải nhận quả đắng ngày hôm nay. Trở lại nguyên nhân chính mà thẩm phán Nhật Bản truy tố Ghosn, đó là việc ông không khai báo đầy đủ các khoản lương cũng như thưởng trong báo cáo tài chính để gửi lên thị trường chứng khoán. Số tiền này có lẽ lớn đến nỗi nó giúp giảm đáng kể chi phí của Nissan và vì vậy làm tăng lợi nhuận của công ty, góp phần tăng giá trị của Nissan trên sàn chứng khoán.

Đám cưới với người vợ thứ 2 của Carlos Ghosn được tổ chức tại cung điện Versailles của vua Louis 14. Carlos giờ đây đã thành 1 ông hoàng.
Cô lập và cô độc

Với việc sát nhập với Mitsubishi, Carlos Ghosn rõ ràng đang ở trên đỉnh vinh quang của mình. Mức lương khủng, cuộc sống xa hoa, toàn quyền quyết định mọi thứ Ghosn có lẽ đã ngủ mê trong chiến thắng và không nhận ra những mối hiểm họa chờ đón mình. Sai lầm đầu tiên của Ghosn có lẽ là việc để cho Hiroto Saikawa nắm quyền tổng giám đốc Nissan. Làm việc chung với 1 người độc đoán như Ghosn không khiến Saikawa trở thành 1 người cận vệ trung thành. Hãy nhìn những số 2 khác của Ghosn mà xem, sớm muộn gì họ cũng phải ra đi, Saikawa hiểu rõ điều đó. Việc được quay trở lại Nhật Bản và nắm trong tay đứa con tinh thần, tiếp xúc với các đối tác Nhật có lẽ cũng ảnh hưởng phần nào đến ông. Việc chính phủ Pháp muốn tăng tỷ lệ sở hữu Nissan bị coi như là 1 hành động vi phạm thỏa thuận liên minh và người Nhật không đời nào muốn thương hiệu xe của mình rơi vào tay người Pháp, đặc biệt là khi doang thu của Nissan gần gấp 2 Renault. Nội bộ Nissan chắc chắn là đã thu thập từ lâu những chứng cứ vi phạm pháp luật của Carlos Ghosn, họ chỉ đơn giản sử dụng nó vào thời điểm thích hợp nhất này để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tại sao Carlos Ghosn lại không nhận ra điều này sớm hơn ? Nên nhớ rằng Ghosn đã có rất nhiều kẻ thù khi sa thải hàng chục nghìn nhân viên Nissan và ông nhận được nhiều lời đe dọa tại Nhật Bản. Ông thường xuyên có đội ngũ bảo về đi cùng, thuê nhân viên kiểm tra định kỳ văn phòng cũng như nhà ở xem có micro cài lén không hay đỉnh điểm của chứng “hoang tưởng” này là việc ông sa thải nhầm 3 lãnh đạo cấp cao của Renault vì nghi ngờ họ bán công nghệ cho các công ty của Trung Quốc. Việc thiếu đi sự tin tưởng cũng như những đồng minh, những cộng sự trung thành, những “tai mắt” tại Pháp cũng như tại Nhật Bản có lẽ cũng là 1 phần trong thất bại của ông.

Giờ đây, Carlos Ghosn đã được tại ngoại và với 1 tính cách như ông, cuộc chiến với những người đồng nghiệp cũ chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, đối với 1 hệ thông công lý nghiêm minh như Nhật Bản, có lẽ sẽ không có phép màu xảy ra như trong truyện tranh manga Nhật Bản

Người hùng trong truyện tranh Manga Nhật Bản giờ đây đang phải đối mặt với bản án 15 năm tù

admin 10/03/2019


Posted

in

by

Tags: