Hoạt động của van tuần hoàn khí xả (van EGR)

Vai trò của van tuần hoàn khí xả (van EGR – Exhaust Gaz Recirculation) là làm giảm lượng khí thải độc hại NOx. Chủ yếu được sử dụng trên các động cơ dầu, bộ phận này ngày nay đã xuất hiện trên các động cơ xăng do những quy định về ô nhiễm môi trường ngày càng khắt khe hơn.

Khí NOx là gì và tác hại như thế nào ?

Khí NOx bao gồm 2 loại khí : NO và NO2. 2 loại khí này được hình thành trong quá trình đốt cháy Nitơ trong buồng đốt của động cơ, đặc biệt là khi động cơ đạt nhiệt độ từ 1500 °C . Chúng là thủ phạm chính của hiện tượng sương mù và mưa acid ở các thành phố lớn. Tiếp xúc thường xuyên với loại khí này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cơ thể và về lâu dài có thể dẫn viêm phổi.

Lưu ý : Khí NOx khác với khí khí N20 là một loại khí gây nên hiệu ứng nhà kính.

NOx là thủ phạm chính gây sương mù và mưa acid ở các thành phố có mật độ xe cộ đông
Nguyên lý hoạt động của van tuần hoàn khí xả

Van tuần hoàn khí xả hoạt động dựa trên nguyên lý đưa một phần khí xả quay trở lại buồng đốt. Việc làm này giúp làm giảm nhiệt độ buồng đốt trong xy-lanh, đồng thời làm giảm tỷ lệ oxy và hệ quả là làm giảm lượng khí thải NOx.

Tùy vào chế độ hoạt động của động cơ (gồm cả 2 yếu tố tải động cơ và tốc độ vòng quay), tỷ lệ của khí xả đưa trở lại có thể thay đổi từ 5% đến 40% nhờ vào van tiết lưu (bộ phận chính của van EGR) (5 đến 15% đối với động cơ xăng và có thể lên đến 40% đối với động cơ dầu).

Van tiết lưu không hoạt động khi động cơ ở chế độ không tải, van ở vị trí đóng. Van cũng đóng khi vòng tua máy đạt tốc độ cao như khi xe tăng tốc. Van tuần hoàn sẽ mở khi động cơ hoạt động ở chế độ thấp và ổn định, ví dụ như khi xe giảm tốc, dừng đèn đỏ hay khi xe chạy trong điều kiện ùn tắc giao thông.

Hệ thống tuần hoàn khí xả trên 1 động cơ Diesel. EGR Valve = Van tiết lưu
Hệ thống tuần hoàn dẫn khí xả trở lại buồng đốt
Những hỏng hóc liên quan đến van EGR

Di chuyển thường xuyên trong thành phố sẽ kích hoạt liên tục van tuần hoàn khí xả và vì vậy sẽ tăng nguy cơ tạo muội bẩn bám trên van tiết lưu cũng như bên trong buồng đốt.

Do nguyên lý hoạt động của hệ thống tuần hoàn là đưa trở lại 1 phần khí xả có chứa tạp chất, quá trình đốt sẽ sinh ra nhiều muội bẩn bám trên đầu kim phun nhiên liệu và gây tắc vòi phun (đặc biệt đối với động cơ phun xăng trực tiếp).

Đối với van tiết lưu, muội bẩn sẽ tích tụ tạo thành một lớp đen dày và ngăn cản van đóng hoặc mở. Nếu van bị kẹt ở vị trí đóng, van không hoạt động, động cơ sẽ vẫn hoạt động bình thường nhưng lượng khí thải NOx sẽ cao. Nếu van bị kẹt ở vị trí mở, động cơ sẽ tiếp nhận nhiều cặn bẩn từ khí xả hơn và sau một thời gian sẽ làm giảm thiểu đáng kể công suất động cơ. Ngoài ra, một trong những hiện tượng quan sát được của việc dư thừa khí xả là hàm lượng khói đen lớn thải ra từ ống xả.

Muội bẩn bám trên van EGR sau một thời gian sẽ làm yếu động cơ
Hiện tượng khói đen khi van EGR bị kẹt do muội bẩn
Hiện tượng kim phun nhiên liệu bị bẩn làm động cơ yếu đi
Làm gì khi van EGR bị tắc

Để tránh tình trạng muội bẩn hình thành dày trên kim phun nhiêu liệu cũng như là trên van tiết lưu, các bạn nên chạy xe thường xuyên trên cao tốc, chỉ cần động cơ hoạt động ở chế độ cao (3000 vòng/phút) trong vòng vài phút (10 đến 15 phút) cũng đủ để đốt cháy hết muội bẩn và giúp động cơ của bạn lấy lại sức mạnh vốn có của nó.

Trong trường hợp bạn phải đưa xe vào gara, việc vệ sinh van EGR là đủ giúp động cơ lấy lại công suất nhưng phần lớn gara sẽ chỉ gợi ý bạn thay thế bằng van EGR mới.

Một vài bác tài thậm chí còn thảo hẳn bộ phận này ra để không khỏi bận tâm đến các hiệu ứng phụ đề cập ở trên. Tuy nhiên phải hết sức cẩn thận bởi điều đó có thể gây ra phản ứng lỗi đối với bộ vi xử lý điện tử (đèn check engine là một ví dụ), bộ phận mà phần lớn xe ngày nay đều được trang bị.

Những chiếc xe thường xuyên chạy trên cao tốc sẽ có tuổi thọ của động cơ cao hơn

admin 22/05/2016


Posted

in

by

Tags: