Nghệ thuật bán Logo xe hay “Rebadging”

Nhân dịp anh VinFast chuẩn bị xây nhà máy sản xuất xe ô tô “made in Vietnam”, Blog Thuxe.vn xin gợi ý một phương pháp “làm xe” khác được áp dụng rộng rãi trong giới sản xuất xe hơi, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đem lại lợi nhuận nhanh chóng, cách làm này có tên gọi là “Rebadging”. Nói vắn tắt, thay vì đầu tư để xây dựng dây chuyền sản xuất xe, anh chỉ cần nhập 1 chiếc xe của hãng khác về và gắn logo VinFast lên đầu và đít xe đấy. Xong ! Việc còn lại chỉ là marketing để làm sao bán được chiếc xe đấy dưới thương hiệu của mình.

Rebadging = Bán 1 sản phẩm dưới nhiều thương hiệu khác nhau

Bạn đừng lầm tưởng rebadging cũng giống như hiện tượng Khải Silk nhập lụa Trung Quốc về gắn mác “made in Viet Nam”, cách làm này dựa trên các hợp đồng liên minh, hợp tác giữu các hãng xe và chúng hoàn toàn hợp pháp. Mời bạn đọc cùng tôi tìm 6 điểm khác biệt giữa 2 chiếc xe này , 1 chiếc của hãng Renault Latitude và 1 chiếc của hãng Samsung SM5.

Logo và calant khác nhau, hệ thống rửa đèn pha tự động trên chiếc Latitude
Logo và nhãn hiệu dán khác nhau, ngoài ra ống xả Lattitude mạ chrome
Lazang khác nhau, Latitude viền cửa kính mạ chrome

Không có nhiều điểm khác biệt phải không các bạn ! Thực ra là có đấy, giá bán khác nhau 1 trời một vực, Chiếc Renault có giá 1,4 tỷ còn chiếc Samsung 850 triệu. Đây chính là lợi thế lớn nhất của Rebadging, sử dụng những tên gọi khác nhau cho các thị trường khác nhau để bán chiếc xe với giá cao nhất có thể. Cả hai chiếc xe này đều được sản xuất trên cùng 1 dây chuyền tại Hàn Quốc, nhưng lại sử dụng thương hiệu Samsung cho thị trường nội địa Hàn Quốc và thương hiệu Renault cho thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Á (Trung Quốc). Điều này cũng dễ hiểu bởi Samsung là thương hiệu uy tín nhất Hàn Quốc nhưng lại không thể bán tại Châu Âu và Châu Á nếu cứ giữ cái tên Samsung (cá nhân tôi chỉ biết đến điện thoại Samsung chứ chưa ngồi lên xe Samsung bao giờ).

Đối với thị trường Việt Nam, cả hai dòng xe Samsung và Renault đều không phải là hàng nhập khẩu chính hãng nên không có một chiến thuật “Rebadging” chung nào của liên minh Renault-Nissan-Samsung ở đây cả, chỉ là mạnh ai bán được xe thì cứ nhập vào mà bán thôi, cũng dễ hiểu mà, chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt.

Một ví dụ khác của chiến thuật Rebadging là chiếc Samsung QM5 và QM6 sản xuất tại Hàn Quốc nhưng được bán dưới thương hiệu Renault Koleos tại các thị trường mới nổi khác.

Cá nhân tôi không phải là fan của Renault một phần vì việc lạm dụng nghệ thuật bán xe này. Từ khi Carlos Ghosn mua lại hãng xe giá rẻ Dacia của Roumani vào năm 2000, hàng loạt các mẫu xe giá rẻ được sản xuất tại Roumani bởi Dacia bắt đầu được gán logo Renault tại các thị trường xe mới nổi như Renault Sandero, Renault Duster, Renault Logan, … Ma mãnh hơn nữa, mẫu xe Renault Duster lại được bán tại Châu Âu dưới thương hiệu Dacia Duster và nhằm vào phân khúc xe giá rẻ, kết quả, chỉ riêng năm 2013, 20 000 chiếc Duster đã đươc bán ra tại Pháp. Bravo King Carlos !

Trở lại với câu chuyện của anh VinFast nhà ta, thiết nghĩ, nếu anh đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu VinEco cho sản phẩm rau quả sạch (mẹ tôi là 1 fan của thương hiệu này !), tại sao anh không làm y như vậy đối với xe ô tô ?

admin, 26/12/2017


Posted

in

by

Tags: