Để bán được xe ô tô, các nhà sản xuất xe cần phải thay đổi thường xuyên chiếc xe từ ngoại hình, nội thất cho đến động cơ, hộp số thậm chí cấu trúc khung gầm của xe. Tùy vào mức độ thay đổi mà người ta phát minh ra các khái niệm như “nâng cấp nhẹ”, “nâng cấp giữa vòng đời”, “hoàn toàn mới”, “thế hệ mới”, “phom mới”, “đời mới” …. Có rất nhiều các thoật ngữ được sử dụng mà ngay cả đối với các hãng xe, do vô tình hay cố ý đã sử dụng các cụm từ này không chính xác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ có những hãng xe chỉ có thêm “màu sơn mới” cũng được quảng cáo là 1 nâng cấp mới. Hãy cùng Blog tìm hiểu kỹ hơn.
Xe hoàn toàn mới = xe thuộc thế hệ mới
Sẽ có nhiều sự trùng lặp giữa cái cụm từ liên quan đến khái niệm nâng cấp nhưng cụm từ “hoàn toàn mới” (trong tiếng anh là All-new) chắc chắn chỉ được sử dụng cho các phiên bản xe thuộc thế hệ mới. Ví dụ như chiếc xe Toyota Innova lắp ráp tại Việt Nam từ năm 2006 đến nay chỉ có 1 lần duy nhất thay đổi thế hệ là vào tháng 07 năm 2016, tất cả những lần thay đổi khác đều là các phiên bản nâng cấp, hay như chiếc xe Ford Escape lắp ráp trong nước từ 2001 đến 2013 đều thuộc thế hệ thứ nhất, tất cả 3 lần nâng cấp đều là các thay đổi nhẹ nhằm tăng doanh số bán hàng.
Thông thường, 1 chiếc xe hoàn toàn mới (hay thế hệ mới) sẽ được lắp ráp trên một dây chuyền sản xuất mới. Nhà máy sản xuất mẫu xe này sẽ phải nghỉ trong 1 khoảng thời gian để thay đổi dây chuyền cũ hoặc lắp đặt dây chuyền mới (hoặc đóng cửa và sa thải nhân viên nếu dây chuyền mới không được lắp đặt tại nhà máy này mà chuyển qua các nước khác rẻ hơn giống trường hợp của các mẫu xe rời Việt Nam như Camry, Altis, Fortuner, …. ). Để phân biệt xe thuộc thế hệ mới, các nhà sản xuất xe sẽ chọn 1 tên mới cho dây chuyền sản xuất mới đồng thời quy ước 1 mã thế hệ mới (còn gọi là “chassis code” hay “generation code” hay “model code”). Ví dụ xe Camry thế hệ mới sản xuất tại Thái lan có mã là XV70 thay cho mẫu xe cũ có mã XV50 lúc còn lắp ráp tại việt nam. Xe BMW 5 series thế hệ hiện tại có mã thế hệ là G30 còn mẫu xe Vinfast Lux, phiên bản BMW 5 series cũ có mã thế hệ là F10, hay như mẫu Honda Civic rời việt nam năm 2016 có mã mới là FC thay cho mã FB.
Lắp ráp trên 1 dây chuyền sản xuất mới sẽ đem đến những thay đổi quan trọng cho chiếc xe, đặc biệt liên quan đến hệ thống khung gầm và động cơ. Ví dụ xe Toyota Camry mới được sản xuất trên hệ khung gầm TNGA cho khoảng sáng gầm xe 140 mm thấp hơn 10mm so với thế hệ cũ, chiều dài cơ sở (khoảng cách giữa bánh trước và bánh sau) dài hơn, hệ thống treo cấu trúc thay đổi …. Thay đổi thế hệ cũng là 1 cơ hội để các nhà sản xuất xe áp dụng (hay thử nghiệm tùy vào hãng xe) những công nghệ mới, ví dụ như trường hợp của Mazda 3 thế hệ hiện tại ứng dụng công nghệ Sky-Active cho động cơ là 1 thành công lớn còn động cơ Ecoboost của Ford Focus hiện tại thì không được thành công như mong đợi. Có một điểm thú vị các bạn có thể nhận thấy là những chiếc xe của cùng 1 thế hệ có thể thay đổi về chiều dài và chiều rộng nhưng gần như không bao giờ thay đổi chiều dài cơ sở (khoảng cách 2 trục trước – sau). Điều này có thể hiểu được bởi chúng đều được lắp ráp trên 1 dây chuyển, 1 dây chuyền mới = 1 chiều dài cơ sở mới. Nếu bạn so sánh chiều dài cơ sở của Vinfast Lux SA và BMW X5 F15, chúng đều là 2933 mm, còn chiếc Lux A thì chỉ dài hơn 2mm so với nguyên bản của 3 series F10.
Phiên bản nâng cấp = Thay đổi ở ngoại hình
Phiên bản nâng cấp hay còn gọi là “facelift” là những thay đổi nhỏ chủ yếu ở ngoại hình nhằm làm mới và tăng doanh số bán hàng. Những thay đổi này thường thấy ở mặt ca lăng, cản trước, cản sau, hình dạng kích thước đèn pha, đèn hậu, đèn sương mù, đèn xi nhan, …. , nói tóm lại là trên các bộ phận thân, vỏ xe vừa giúp người mua nhận thấy sự “nâng cấp” vừa tiết kiệm được chi phí và hạn chế rủi ro xe bị trục trặc. Các nâng cấp nhỏ cũng có thể được thực hiện ở nội thất như việc thêm nút bấm khởi động thay vì dùng chìa như trường hợp Chevrolet Orlando (và đã bị triệu hồi cách đây không lâu do lỗi này) hay thay đổi ở hệ thống giải trí. Đôi khi, ta cũng thấy những nâng cấp khá “nặng đô” như trường hợp của Mercedes E class 2019 mới đây với động cơ M264 hoàn toàn mới. Trái lại, có những thay đổi mà ta không thể gọi là nâng cấp như màu sơn mới, bổ sung chắn bùn, bổ sung cảm biến lùi, ghế bọc da, …, đây chủ yếu là nhưng trang thiết bị được bổ sung thêm giúp nhân viên bán hàng bán xe dễ dàng hơn.
admin 08/12/2019