Tuổi thọ các bộ phận bị hao mòn trên động cơ ô tô

Bài viết giúp bạn đọc có thêm khái niệm về độ tuổi của những chi tiết bị lão hóa trên xe hơi. Trong phần đầu này, thuxe sẽ tập trung vào các bộ phận liên quan đến động cơ.

Cũng như cơ thể con người, xe thọ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc được bảo dưỡng thường xuyên, phong cách lái của bạn, điều kiện môi trường và dĩ nhiên không thể không nhắc đến chất lượng phụ tùng và kinh nghiệm lắp ráp của từng hãng xe.

Danh sách các bộ phận liên quan đến động cơ như sau : (nếu bạn thấy tuổi đời của các bộ phận không chính xác, hãy bình luận bên dưới bài viết, admin sẽ sửa lỗi nếu thấy hợp lý)

  • Các loại ống dẫn : 150 000 đến 300 000 Km
  • Bộ phận Turbo của động cơ tăng áp (turbocharge) : 200 000 Km
  • Cảm biến lưu lượng khí nạp : ít nhất 150 000 Km
  • Bơm nhiên liệu : ít nhất 250 000 Km
  • Bơm cao áp : ít nhất 200 000 Km
  • Kim phun nhiên liệu : ít nhất 200 000 Km
  • Cảm biến oxy, cảm biến lambda : 150 000 Km
  • Van tuần hoàn khí xả (Van EGR) : ít nhất 150 000 Km
  • Séc măng : từ 200 000 đến 400 000 Km
  • Pit tông : từ 300 000 đến 500 000 Km
  • Bugi sấy (động cơ diesel) : 120 000 đến 180 000 Km
  • Nắp quy lát : ít nhất là 300 000 Km
  • Bơm dầu : ít nhất 300 000 Km
  • Bơm nước làm mát : ít nhất 200 000 Km
  • Bơm trợ lực lái : ít nhất 250 000 Km
  • Tản nhiệt két nước : ít nhất 250 000 Km
  • Quạt gió két nước : ít nhất 300 000 Km
  • Trục khuỷu : ít nhất 300 000 Km
  • Thanh truyền trục khuỷu : ít nhất 300 000 Km
  • Dây cua roa cam (dây cao su có rãnh) : 90 000 Km
  • Dây cua roa máy phát và các puly : 130 000 đến 200 000 Km
  • Bánh đà : Ít nhất là 250 000 Km
  • Trục cam : Ít nhất 300 000 Km
  • Bộ lọc xúc tác / bộ lọc phần tử diesel : 180 000 đến 250 000 Km

Các loại ống dẫn : 150 000 đến 300 000 Km

Có thể chia làm 2 loại ống dẫn :

Ống dẫn chịu áp suất thường : Ống dẫn nước làm mát động cơ , Ống dẫn gió động cơ + các hệ lưu hành gió khác , Ống dẫn nước rửa kiếng / rửa đèn pha, …

Ống dẫn chịu áp suất cao (được hỗ trợ bởi lớp phủ ngoài bằng kim loại) : Ống dẫn dầu phanh, Ống dẫn chất làm lạnh của điều hòa, Ống dầu giảm chấn thủy lực, Ống dẫn dầu trợ lực lái, Ống dẫn nhiên liệu, …

Các loại ống dẫn có tuổi thọ nói chung khoảng 150 000 đến 300 000 Km

Chủ yếu làm bằng cao su, tuổi thọ của chúng phụ thuộc vào chất lượng nhưng chủ yếu là vào điều kiện môi trường. Sử dụng trong điều khiện nhiệt độ và độ ẩm thay đổi thường xuyên và đột ngột sẽ làm giảm tuổi thọ đáng kể. Hậu quả nghiêm trọng của việc bị giãn nở thường xuyên và quá mức là chúng bị thủng và gây rò rỉ chất dẫn (ống nạp khí turbo, ống dẫn các loại chất lỏng như nước, dầu, phanh, …). Tuy nhiên, cũng đừng cho hết các loại ống dẫn vào cùng 1 rổ bởi các loại ống quan trọng thường dày hơn vì vậy có dòng đời lâu hơn.

Bộ phận Turbo của động cơ tăng áp (turbocharge) : 200 000 Km

Là bộ phận nhạy cảm nhất (dễ hỏng nhất) của các loại động cơ tăng áp. Tuốc bin quay dưới 1 tần suất khủng khiếp có thể đạt đến 200 nghìn vòng 1 phút (tua máy của động cơ cũng chỉ ở mức dưới 10 nghìn vòng / phút), ở tần suất này thì các cánh quạt tuốc bin có nguy cơ bị hư hỏng, các chi tiết tiếp xúc với trục quay như bạc đạn cũng trở nên mỏng manh hơn. Trong trường hợp bạc đạn lâu ngày bị lão hóa sẽ xuất hiện hiện tường rò rỉ dầu (dầu bôi trơn sử dụng cho các chi tiết tiếp xúc với trục quay của turbo) và vì vậy sẽ có nguy cơ dầu chảy trục tiếp vào buồng đốt của động cơ thông qua ống dẫn khí nạp.

Đây là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng khói xanh khi dầu bị đốt cùng với nhiên liệu trong buồng đốt.

Nói tóm lại, sau khoảng 200 000 Km, áp suất nén khí của turbo sẽ giảm đi đáng kể so với những ngày đầu tiên.

Cấu tạo của turbo gồm 2 khoang khí xả (màu đỏ) và khí nạp (màu xanh). Tuộc bin khí xả được nối với tuộc bin khí nén bằng 1 trục quay, được định vị bới các bạc đạn. 1 hệ thống ống dẫn dầu đặc biệt được dùng để bôi trơn hệ thống trục quay và bạc đạn này (màu xanh lá cây)
Cánh quạt tuộc bin bị biến dạng do va chạm nhiều với các phần tử trong khí xả. Tuổi thọ của turbo là khoảng từ 200 000 đến 450 000 km

Cảm biến lưu lượng khí nạp (Cảm biến MAF) : ít nhất 150 000 Km

Vai trò của cảm biến này là đo lưu lượng không khí được đưa vào buồng đốt của động cơ. Thông số này sẽ được bộ điều khiển trung tâm (ECU) sử dụng để tính toán lượng nhiên liệu phù hợp cũng như để tinh chỉnh van tuần hoàn khí xả (van EGR). Lâu ngày bị bụi bẩn cảm biến sẽ gửi thông tin kém chính xác tới ECU, hậu quả là động cơ sẽ tự động đặt mình sang trạng thái “tự bảo vệ” ( trong tiếng anh là limp mode). Một khi chế độ này được kích hoạt, động cơ bị hạn chế ở vòng tua máy rất thấp để tránh hư hỏng có thể xảy ra.

Để kéo dài tuổi thọ cho cảm biến lưu lượng khí nạp, các bạn không nên chỉ chạy xe trong thành phố bởi đây là nơi không khí chứa nhiều phần tử gây ô nhiểm nhất.

Cảm biến lưu lượng khí nạp, tuổi thọ ít nhất 150 000 Km

Bơm nhiên liệu (Bơm xăng trong thùng) : ít nhất 250 000 Km

Cũng như tất cả các loại bơm khác, bơm nhiên liệu sẽ bị lão hóa theo thời gian và hậu quả là không thể bơm nhiên liệu vào động cơ được nữa. Nhìn chung thì bộ phận này thường không bị vấn đề gì đặc biệt trong suốt dòng đời của 1 chiếc xe nếu bạn ở nước ngoài. Thị trường việt nam có hiện tượng xăng kém chất lượng nên việc thay thế lọc và bơm xăng xảy ra thường xuyên hơn. Lưu ý không mua bơm xăng nhái để tránh nằm đường.

1 loại bơm nhiên liệu. Tuổi thọ ít nhất là 250 000 Km
Vị trị của bơm nhiên liệu thường khá xa động cơ

Kim phun nhiên liệu / Bơm cao áp : ít nhất 200 000 Km

Bơm cao áp có nhiệm vụ tăng áp suất của nhiên liệu để có thể được phun vào buồng đốt bởi kim phun nhiên liệu. Hoạt động thường xuyên dưới áp suất cực cao (có khi đến hàng nghìn bar) nhưng tuổi thọ của bơm được đảm bảo đến hơn 200 000 Km.
Hoạt động liên tục dưới áp suất cao khiến các kim phun bị kém hiệu quả bắt đầu từ 200 000 Km. Trước thời điểm này, có thế coi như là hệ thống bị lỗi do nhà sản xuất, tuy điều đó còn phụ thuộc và chất lượng của nhiên liệu cũng như là thói quen bảo dưỡng xe, cụ thể là việc kiểm tra thay thế bộ lọc nhiên liệu.

Cảm biến oxy, cảm biến lambda : 150 000 Km

Nhiệm vụ của cảm biến này là gửi thông tin về lượng oxy (dư hoặc thiếu) trong khí cháy về cho bộ điều khiển trung tâm (ECU) nhằm giúp bộ phận này điều chỉnh thời lượng cung cấp nhiên liệu 1 cách thích hợp. Được đặt trong hệ thống ống xả, việc thường xuyên phải “hửi” khói làm giảm đáng kể tuổi thọ bởi chúng phải hoạt động ở nhiệt độ cao và tiếp xúc với nhiều muội bẩn.

Một khi cảm biến này bị hỏng, bạn có thể nhận biết được nhờ các triệu chứng như động cơ tiêu thụ quá nhiều xăng (bộ điều khiển tiếp nhận thông tin sai sẽ gửi nhiều xăng hơn cần thiết) hoặc hiện tượng khói đen ở ống xả (do tỷ lệ hòa nhiên liệu – không khí không đúng khiển nhiên liệu cháy không hết dẫn đến việc tạo ra các phần tử dư thừa gây ra hiện tượng khí thải màu đen). Một hiện tượng nữa liên quan đến tỷ lệ nhiên liệu không chính xác là viêc động cơ hoạt động dưới công suất bình thường, thậm chí còn có thể đẩy động cơ vào chế độ “tự bảo vệ”.

Tuổi đời của một cảm biến oxy, hay cảm biến lambda là 150 000 Km.

Cảm biến oxy
Hệ thống ống xả
Hiện tượng khói đen khi cảm biến oxy (lambda) bị hỏng

Van tuần hoàn khí xả (Van EGR) : ít nhất 150 000 Km

Mục đích chính của van tuần hoàn khí xả là đưa 1 phần khí xả từ động cơ trở lại buồng đốt. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là do khí xả có chứa tạp chất, quá trình đốt sẽ sinh ra nhiều muội bẩn bám trên đầu kim phun nhiên liệu và gây tắc vòi phun (đặc biệt đối với các động cơ phun xăng trực tiếp).

Nhược điểm thứ 2 là đối với van tiết lưu (van EGR), muội bẩn sẽ tích tụ tạo thành một lớp đen dày và ngăn cản van đóng hoặc mở. Nếu van bị kẹt ở vị trí đóng, van không hoạt động, động cơ sẽ vẫn hoạt động bình thường nhưng lượng khí thải NOx sẽ cao. Nếu van bị kẹt ở vị trí mở, động cơ sẽ tiếp nhận nhiều cặn bẩn từ khí xả hơn và sau một thời gian sẽ làm giảm thiểu đáng kể công suất động cơ.

Ngoài ra, một trong những hiện tượng quan sát được của việc dư thừa khí xả là hàm lượng khói đen lớn thải ra từ ống xả.

Tuổi thọ của van EGR ít nhất là 150 000 Km

Bạn có thể quan sát được van EGR mà không cần phải mở động cơ
Muội bẩn bám trên van EGR làm giảm công suất động cơ và gây hiện tượng khói đen từ ống xả

Dây cua roa máy phát và các puly : 120 000 đến 200 000 Km

Hệ thống dây cua roa gọi tắt là máy phát đóng vai trò kém quan trọng hơn cua roa cam bởi chúng được dùng để vận hành máy phát cung cấp điện cho ác quy, hệ thộng trợ lực lái (trường hợp xe trợ lực điện) cũng như hệ thống điều hòa nhiệt độ. Dây đai này được kéo căng bởi các puly, do được làm bằng cao su nên tuổi đời của chúng cũng bị hạn chế, cần thay mới sau 120 000 Km.

Dây cua roa máy phát cần thay sau mỗi 120 000Km

Dây cua roa cam (dây cao su có rãnh) : 120 000 Km

Thông thường đối với dây cua roa cam thì nên thay thế ở mỗi 90 000 Km. Một vài nhà sản xuất cho phép lên đến 200 000 Km bởi cấu tạu của dây chắc và được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, đừng quên rằng đây là bộ phận cực kì quan trọng và việc dây đứt có thể làm vỡ máy (trục cam và trục khuỷu không còn hoạt động đồng nhất dẫn đến việc pit tông và súp páp không phối hợp nhịp nhàng được nữa).

Dây cua roa cam phải được thay mỗi 120 000 Km để đảm bảo an toàn cho động cơ

Bơm nước làm mát : 120 000 km

Không dẻo dai như bơm dầu, chi tiết này thường hỏng sớm hơn. Đặc biệt nếu sử dụng nước làm mát không đúng tiêu chuẩn hoặc đổ nước có tạp chất vào châm thêm nước làm mát thì bơm càng nhanh hỏng do rỉ sét

Bơm trợ lực lái : ít nhất 250 000 Km

Chi tiết này thường hoạt động đến hết đời của 1 chiếc xe. Khi bạn bẻ lái mà nghe tiếng động lạ thì đó có thể là dấu hiệu bơm trợ lực lái đã mệt mỏi và cần được thay thế.

Két nước tản nhiệt : ít nhất 250 000 Km

Chi tiết này phải có tuổi thọ ít nhất 250 000 Km, thậm chí lâu hơn. Thường lỗi xảy ra do các cánh cánh kim loại nhỏ của bộ phận bị hao mòn do va chạm thường xuyên với sỏi đá, vì vậy mà tuổi thọ của tản nhiệt phụ thuộc một phần vào việc ca lăng có được thiết kế đủ kín hay không.

Tản nhiệt két nước có tuổi thọ khá dài nếu được bảo vệ tốt bởi ca lăng

Quạt gió két nước : ít nhất 300 000 Km

Quạt gió ít khi được sử dụng do chỉ được bật lên khi động cơ đạt đến một nhiệt độ nhất định. Vì vậy mà tuổi đời của chi tiết này có thể đạt đến 300 000 Km.

Quạt gió két nước sống khá lâu do ít được sử dụng

Séc măng : từ 200 000 đến 400 000 Km / Pit tông : từ 300 000 đến 500 000 Km

Đơn giản là các vòng tròn hở làm bằng kim loại được lắp vào các rãnh trên piston để đảm bảo độ rộng của piston vừa khớp với độ rộng của xy lanh. Mục đích là không cho khí thoát ra trong quá trình nổ bên trong buồng đốt. Các vòng séc măng sử dụng lâu ngày bị mòn sẽ làm thoát khí trong buồng đốt vì vậy làm giảm công suất động cơ.
Các rãnh séc măng trên piston
Bộ phận chính của động cơ, pit tộng là chi tiết phải chịu nhiều áp lực nhất, đặc biệt là bị mòn do ma sát với thành của xy lanh (sơmi xy lanh). Tuổi thọ của pit tông là từ 300 000 đến 500 000 Km.

Bugi sấy (động cơ diesel) : 120 000 đến 180 000 Km

Chức năng chính là để làm nóng động cơ diesels trước khi khởi động. Phần lớn các bugi sấy chết trước 200 000 Km. Tuy nhiên đối với loại động cơ phun nhiên liệu trực tiếp thì bugi sấy chỉ hoạt động khi thời tiết bên ngoài rất lạnh nói cách khác bugi chỉ có tác dụng trong trường hợp động cơ là loại phun nhiên liệu gián tiếp.

Bộ lọc xúc tác / bộ lọc phần tử diesel : 180 000 đến 250 000 Km

Đóng vai trò là thùng rác trước khi khí thải được thải ra môi trường bên ngoài. Bộ lọc xúc tác sử dụng các phản ứng hóa học để xử lý các chất độc có trong khí thải. Trong khi đó, vai trò của bộ lọc phân tử diesel là ngăn các phân tử độc hại diesel lại trước khi khí thải thoát ra ống xả (để rồi sau đó xả ra lại cặn bẩn tịch tụ được vào môi trường một khi bạn chạy ở tốc độ cao như trên cao tốc !)

Bộ lọc xúc tác đóng vai trò chuyển hóa các phần tử độc hại trong khí xả bằng phản ứng hóa học
Bộ lọc các phân tử diesel, vai trò giữ các phần tử độc hại lại không cho thoát ra môi trường (để xả ra lại vào lúc khác 🙂

admin, 27/12/2016


Posted

in

by

Tags: